Đôi bàn chân của chúng ta mỗi ngày phải hoạt động không ngừng: đi bộ, chạy, mang giày cao gót, khiêu vũ,… Những hoạt động tưởng như đơn giản đó lại là nguyên nhân chính khiến chân dễ chai sần và khô ráp. Thêm vào đó, quá trình lão hóa cũng khiến da chân dần mất nước. Vì thế, chăm sóc bàn chân đúng cách tại nhà là yếu tố quan trọng để giữ cho đôi chân luôn mềm mại và khỏe mạnh. Dưới đây là các bước đơn giản nhưng hiệu quả bạn có thể áp dụng tại nhà.
1. Ngâm chân mỗi ngày
Ngâm chân trong nước ấm là một cách tuyệt vời để thư giãn và làm mềm da. Ngoài việc giúp giảm đau nhức cơ, thói quen này còn hỗ trợ cải thiện giấc ngủ.
Bạn có thể pha nước ấm với muối Epsom – loại muối giàu magie và sulfat, giúp làm dịu da, chống viêm và ngăn ngừa vi khuẩn. Ngoài ra, có thể thay thế bằng giấm táo – chứa axit alpha hydroxy có tác dụng tẩy da chết nhẹ nhàng. Nếu bạn lo lắng về mùi hôi chân, hãy thêm một chút baking soda và tinh dầu để khử mùi và tạo hương thơm thư giãn.
Ngâm chân khoảng 15-20 phút, sau đó lau khô kỹ, nhất là giữa các ngón chân.


2. Tẩy tế bào chết để da chân mịn màng
Làn da mềm mại không thể thiếu bước tẩy tế bào chết. Khi lớp da chết tích tụ, da sẽ trở nên khô, dày và dễ nứt nẻ. Đá bọt là 1 trong những công cụ hiệu quả để loại bỏ lớp da chết dày cứng một cách nhẹ nhàng.
Cách thực hiện:
- Ngâm chân và đá bọt trong nước ấm khoảng 5-10 phút.
- Sau đó, dùng đá bọt ướt nhẹ nhàng chà theo chuyển động tròn lên vùng da chai sần, tập trung ở gót chân và các ngón chân.
- Rửa sạch lại chân sau khi tẩy tế bào chết.
Thực hiện mỗi ngày hoặc vài lần mỗi tuần tùy vào tình trạng da và nhớ vệ sinh đá bọt sau mỗi lần sử dụng.


3. Dũa vùng da chai sần
Sau khi tắm hoặc ngâm chân, bạn có thể dùng dũa chân chuyên dụng để xử lý những vùng da dày. Lưu ý là không nên chọn loại dũa quá sắc để tránh gây trầy xước. Ngoài ra, bác sĩ Margaret Dabbs cũng khuyên nên thực hiện khi da khô để tránh làm tổn thương mô mềm.
Hãy dũa nhẹ nhàng theo hướng từ ngoài vào trong, tránh vùng da bị tổn thương. Sau đó, có thể kết hợp với kem tẩy tế bào chết hoặc kem làm mềm da để tăng hiệu quả. Tần suất lý tưởng là 1-2 lần mỗi tuần.


4. Dưỡng ẩm đều đặn
Không giống như các vùng da khác, bàn chân không tự tiết dầu. Vì thế, dưỡng ẩm hàng ngày là bước quan trọng không thể bỏ qua để duy trì độ mềm mại và ngăn ngừa nứt nẻ.
Bạn có thể sử dụng kem dưỡng ẩm, sữa dưỡng hoặc sáp chuyên dụng cho chân. Tuy nhiên, nên tránh bôi giữa các ngón chân vì vùng này cần được giữ khô để tránh nấm và vi khuẩn.
Thời điểm tốt nhất để dưỡng ẩm là vào ban đêm – sau khi tắm hoặc sau khi tẩy tế bào chết. Nếu dưỡng ẩm buổi sáng rồi đi giày kín, độ ẩm kết hợp với mồ hôi sẽ khiến da bị “ngâm nước”, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Bạn cũng có thể đắp mặt nạ dưỡng ẩm cho chân bằng nguyên liệu đơn giản như sữa chua, mật ong, dầu ô liu hoặc đường nâu để tăng cường độ mềm mại cho da.


5. Uống đủ nước – dưỡng ẩm từ bên trong
Dưỡng ẩm từ bên ngoài là chưa đủ. Da khô còn có thể do thiếu nước từ bên trong cơ thể. Vì vậy, bạn nên uống đủ nước mỗi ngày – trung bình khoảng 1,5-2 lít hoặc nhiều hơn nếu vận động nhiều.
Bên cạnh nước lọc, nên bổ sung thêm các loại rau củ quả giàu nước như dưa chuột, dưa hấu, cam, rau xanh,…để cấp ẩm và tăng sức đề kháng cho làn da.


Chăm sóc bàn chân không có nghĩa là phải khiến chúng mềm mượt như làn da em bé. Da bàn chân vẫn cần đủ độ dày để chống đỡ áp lực từ cơ thể và bảo vệ trước những va chạm hằng ngày. Mục tiêu là giữ cho da chân khỏe mạnh, không bị nứt nẻ, bong tróc hay chai cứng.
Chỉ với vài bước chăm sóc đơn giản – ngâm chân, tẩy tế bào chết, dũa da, dưỡng ẩm và uống đủ nước – bạn hoàn toàn có thể sở hữu đôi bàn chân mềm mại, mịn màng và khỏe mạnh ngay tại nhà. Thực hiện đều đặn sẽ giúp bạn tránh được tình trạng chai sần, nứt gót và cảm thấy tự tin hơn mỗi khi mang giày hở gót hay đi chân trần.
Bạn có thể quan tâm: