Những loại mỹ phẩm giả, kém chất lượng có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, nhan sắc của người dùng. Tuy nhiên, nhiều bạn sinh viên lại chẳng mấy quan tâm tới điều này mà chỉ chọn mua mỹ phẩm một cách ngẫu nhiên, thấy đẹp, thấy rẻ là mua mà không quan tâm đến chất lượng, thậm chí biết mười mươi là hàng giả nhưng vẫn mua. Mỹ phẩm giả hiện đang xuất hiện nhan nhản trên thị trường, đặc biệt là tại các khu chợ dành cho sinh viên hay trộn bán lẫn lộn với nhiều hàng hóa ở các cửa hàng mỹ phẩm không uy tín, shop bán hàng online. Điều này chẳng khác nào họ tự bỏ tiền mua món đồ có hại cho sức khỏe của bản thân về ngày ngày sử dụng.
Mỹ phẩm giả bán tràn lan, công khai
Tại những khu chợ sinh viên như chợ Nhà Xanh, chợ Dịch Vọng, chợ Hôm, chợ đêm Phùng Khoang… của Hà Nội, những cửa hàng, quầy mỹ phẩm mọc lên như nấm với đầy đủ các loại mỹ phẩm. Bạn có thể tìm thấy từ mỹ phẩm trang điểm đến chăm sóc da, chăm sóc tóc với mẫu mã đa dạng phong phú, mang nhãn hiệu khác nhau từ vô danh đến cả những nhãn hàng có tên tuổi như 3CE, The Face Shop, Bourjois… thậm chí cả những thương hiệu cao cấp như Chanel hay Tom Ford cũng xuất hiện ở những khu chợ này. Tuy kiểu dáng, nhãn mác cao cấp nhưng giá bán của những sản phẩm này lại vô cùng bèo bọt, nhiều món chỉ từ 10 nghìn đồng hay giá bằng nửa, 1/3 hay còn rẻ hơn nữa so với những loại mỹ phẩm cùng tên được bày bán trong store. Ví như son MAC chỉ 30-50 nghìn đồng/thỏi, các dòng Bourjois, BBIA có giá chỉ vài chục nghìn đồng, phấn hay nước hoa hàng hiệu có giá chỉ khoảng 100-200 nghìn đồng/lọ.. Với mức giá đó thì chất lượng của những loại mỹ phẩm hàng chợ này dường như không cần nói cũng có thể hiểu.
Hiện tại, hàng loạt các sản phẩm mỹ phẩm giả được bày bán tràn lan, dễ dàng bắt gặp và rất công khai, nhất là các chợ sinh viên, chợ đầu mối, chợ cho công nhân, các cửa hàng mỹ phẩm nhỏ lẻ với đa dạng và phong phú chủng loại hàng hóa.
Mỹ phẩm giả vẫn thường khó phân biệt thật giả, đặc biệt là nhiều sản phẩm hàng fake 1, khả năng nhái vô cùng tinh vi. Chính vì vậy, việc mua nhầm phải hàng giả, hàng kém chất lượng cũng là điều dễ hiểu. Nhưng cũng có những người, dù biết là mỹ phẩm giả nhưng vẫn cố sử dụng với suy nghĩ “chắc cũng chẳng sao đâu”. Đi một vòng tại những khu chợ vừa nêu trên, nơi mà khách hàng chủ yếu là sinh viên, dễ dàng tìm thấy những ý kiến trái chiều về mỹ phẩm giả.
Tuy vậy, vẫn có khá nhiều bạn sinh viên chủ quan, ham rẻ lao vào mua những mỹ phẩm giả này dù biết rõ nguồn gốc của chúng.
Những chất độc hại có nhiều trong mỹ phẩm giả
Chất độc hại đầu tiên có thể kể đến đó là lượng chì được phát hiện trong không ít các loại son môi và phấn. Những sản phẩm chứa nặng chì này chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, nhãn mác không rõ ràng, bao bì làm qua loa. Trong quá trình sử dụng mỹ phẩm giả này, lượng chì sẽ từ từ ngấm vào cơ thể của chị em phụ nữ có thể gây ra môi bị thâm, hại da mặt, xỉn răng, nhiễm độc hàm lượng lớn và lâu ngày có thể gây ngộ độc cấp, nôn, tiêu chảy, thậm chí gây ra bệnh tim, phổi và nặng hơn là gây ung thư.
Một trong những thành phần độc hại khác là Paraben. Hợp chất Paraben thường được sử dụng trong bảo quản, khử mùi và tẩy trùng. Khi được hấp thu vào trong cơ thể qua đường mỹ phẩm, Paraben sẽ xâm nhập vào các mao mạch, gây hại nghiêm trọng. Có khả năng gây ra ung thư vú, sớm gây ra các triệu chứng của sự mãn kinh và cả chứng loãng xương.
Sodium hydroxide thường xuất hiện trong các sản phẩm làm trắng da. Bên cạnh tác dụng làm trắng da, sodium hydroxide đồng thời còn có thể gây ra viêm loét da, tàn phá làn da, bào mòn da, khiến da bị rộp. Ngoài ra, nó có thể gây đục thuỷ tinh thể và các vấn đề khác về mắt.
Sodium lauryl sulfate (SLS) có chức năng tẩy rửa và tạo bọt. SLS sử dụng trong mỹ phẩm sẽ gây ra ảnh hưởng về thị giác, rụng tóc, khiến da bị sần sùi, lâu lành vết thương. SLS khi kết hợp với một số chất khác có thể gây ra ung thư. SLS được xem là chất nguy hiểm nhất trong số các chất hữu cơ dùng trong sản xuất mỹ phẩm.
Ngoài ra, còn có vô vàn những chất độc khác như: polyethylene glycol (PEG) là chất có trong các loại kem dưỡng da giả gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho hệ miễn dịch; propylen glycol (PG) ảnh hưởng xấu lên gan, não; isopropyl alcohol gây nhức đầu; formaldehyde. Được tìm thấy nhiều trong sơn móng tay, kem dưỡng da và dầu gội đầu, Formaldehyde khiến bạn bị hen suyễn; hydroquinone tìm thấy trong kem chống nắng, kem che khuyết điểm, sữa rửa mặt, kem trắng da… gây bệnh ưng thư, làm tăng khả năng phát triển của những độc tố có hại cho cơ thể; dầu khoáng chất có nguồn gốc từ dầu mỏ trong son môi, kem dưỡng… ngăn cản sự bài tiết của da, gây tắc lỗ chân lông; phthalates là chất bị cấm tại Anh vì gây ra những thay đổi hệ thống nội tiết và hóc môn trong cơ thể, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương… Các hóa chất độc hại này được đưa vào trong mỹ phẩm là do có giá thành rẻ, hiệu quả thấy được thì nhanh chóng, nhưng về lâu dài không khác gì đầu độc cơ thể.
Sinh viên biết giả vẫn mua vì rẻ
Những quầy mỹ phẩm chợ thường khá đông khách, chưa bao giờ ngớt sinh viên hỏi mua. Ngoài hàng hóa tại quầy, mỹ phẩm còn được bày bán la liệt trên những tấm bạt dưới đất với tấm biển “Thanh lý” cũng dành được rất nhiều sự quan tâm, không ít những bạn sinh viên ngồi chọn lựa. Khi được hỏi liệu có biết những loại mỹ phẩm bày bán tại chợ là hàng giả hay không, bạn Thu Thảo (Xuân Thủy) hào hứng trả lời sau khi mua cho mình 2 thỏi son thanh lý giá rẻ: “Sao không biết hàng fake hả bạn, nhưng sinh viên làm gì có nhiều tiền. Bình thường mua son ở shop loại mình thích toàn 200 nghìn đổ lên, ở đây bán thanh lý có 45 đến 60 nghìn một thỏi. Tranh thủ nhanh không còn hết chả có mà mua.” Bạn My đi cùng nhanh nhảu nói tiếp: “Mình đi chơi mới trang điểm một chút, chắc cũng chẳng sao đâu.“
Khi được hỏi về có biết tác hại của mỹ phẩm giả gây ra cho cơ thể hay không, nhiều bạn sinh viên mặc dù biết nhưng vẫn bất chấp dùng. Bạn Khánh Hòa (sinh viên Đại học Ngoại ngữ) nói: “Mình nghĩ son giả là gây khô môi và thâm môi nên cũng hạn chế, thỉnh thoảng mới dùng thôi. Còn lại mình dùng phấn và các sản phẩm dưỡng da vẫn thấy ổn mà. Da vẫn trắng đều. Giả thì giả nhưng không phải không dùng được. Sinh viên mà, lựa chọn những thứ hợp túi tiền là được rồi.“
Lý giải việc dù biết là mỹ phẩm giả nhưng vẫn dùng của các bạn sinh viên có lẽ đầu tiên là do tâm lý ham rẻ, không muốn đầu tư cho sản phẩm chất lượng giá cao hơn tại store. Mỹ phẩm giả thường không có biểu hiện gây hại ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cơ thể. Người sử dụng không thấy biểu hiện là lại yên tâm dùng tiếp. Một trong những lý do tiếp theo đó là sự chạy đua theo bạn bè của không ít các bạn trẻ, nhìn thấy bạn bè sở hữu những thỏi son MAC, Chanel hay Tom Ford… nên cũng tự đầu tư một thỏi son giả có hình dáng gần như tương tự nhưng giá rẻ hơn có khi cả chục lần. Ví dụ như một thỏi son Tom Ford fake có giá khoảng 100 đến 150 nghìn so với mức giá hơn 1 triệu đồng của hàng thật.